Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động chơi đóng vai trò chủ đạo, chơi chính là cuộc sống của trẻ. Thông qua trò chơi, trẻ được lĩnh hội và rèn luyện những kĩ năng sống một cách tự nhiên và đầy hứng thú, nhờ vậy hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn các hình thức khác. Và hôm nay, Top10dieuhay.com tiếp tục giới thiệu đến bạn các trò chơi nhỏ tại chỗ dành cho trẻ mầm non hay và thú vị nhất.
1. Trò chơi tay đẹp
Cách chơi:
Ngồi vòng tròn và cho trẻ đọc bài đồng dao: Tay đẹp
Một tay đẹp
Hai tay đẹp
Ba tay đẹp
Tay dệt vải
Tay vãi rau
Tay buông câu
Tay chặt củi
Tay đắp núi
Tay đào song
Tay cạo long
Tay mổ lợn
Tay bắt vượn
Tay bắt voi
Tay bẻ roi
Tay đánh hổ
Đếm cùng trẻ và cho trẻ vỗ tay thật là to (phần đầu cho trẻ vỗ tay thật nhỏ)
2. Trò chơi con muỗi vo ve
Cách chơi:
1 ngón tay là con muỗi vo ve
2 ngón tay là con thỏ đáng yêu
3 ngón tay là con mèo meo meo
4 ngón tay là con cua bò ngang
5 ngón tay là con vượn leo cây
3. Trò chơi pha nước cam
Luật chơi:
Cô hỏi, bé trả lời và sử dụng bằng hai tay để mô phỏng các động tác.
Cách chơi:
Ly đâu ly đâu
(ly đây ly đây)
Nước đâu nước đây
(Nước đây Nước đây)
Đường đâu…
( đường đây…)
Chanh đâu…
(Chanh đây…)
Cắt chanh, vắt…vắt…
Đá đâu đá đâu
(Đá đây đá đây)
Đập đá…bỏ vào ly
Khấy ly nước chanh
Mời cô và bạn cùng uống nước chanh.
1,2,3….dô…
4. Trò chơi nhện giăng tơ
Cách chơi:
Cô và trẻ cùng đọc
Nhện nhện giăng tơ giăng tơ, ta cùng leo lên nào
Ngoài trời thì mưa to, ôi nhà đâu mất rồi
Và trời không mưa nữa, ông mặt trời lên rồi
Nhện nhện giăng tơ, giăng tơ ta cùng leo xuống nào.
5. Trò chơi con sên
Cách chơi:
Cô và trẻ cùng đọc:
“Sên sển sền sên
Mày lên công chúa
Mày múa ta xem
Ta may áo đỏ, áo đen cho mày
Hát một câu cuộn một vòng tay.”
6. Trò chơi ngón tay nhúc nhích
Cách chơi:
Quản trò đưa 1 ngón tay lên và hát đếm: “Một ngón tay nhúc nhích nè (2 lần). Một ngón tay nhúc nhích nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi” – Đưa hai ngón tay thì hát đếm thế 1 ngón thành 2 ngón. Một ngón tay ta hát 2 lần nhúc nhích, 2 ngón tay ta hát 4 lần nhúc nhích … cho đến hết bàn tay – nếu người chơi đếm thiếu thì sẽ bị phạt.
7. Trò chơi nu na nu nống
Chuẩn bị:
Dạy trẻ đọc thuộc bài đồng dao trước khi tổ chức cho trẻ chơi. Bài đồng dao như sau:
Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở cuộc thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống
Hoặc bài đồng dao khác:
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bụt ngồi bụt khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xoè chân rụt
Cách chơi:
Những người chơi ngồi xếp hàng bên nhau, duỗi thẳng chân ra, tay cầm tay, vừa nhịp tay vào đùi vừa đọc các câu đồng dao. Mỗi từ trong bài đồng dao được đập nhẹ vào một chân, bắt đầu từ đầu tiên của bài đồng dao là từ “nu”sẽ đập nhẹ vào chân 1, từ “na” sẽ đập vào chân 2 của người đầu, tiếp theo đến chân của người thứ hai thứ ba…theo thứ tự từng người đến cuối cùng rồi quay ngược lại cho đến từ “trống” . Chân của ai gặp từ “trống” thì co chân đó lại, ai co đủ hai chân đầu tiên người đó sẽ vế nhất, ai co đủ hai chân kế tiếp sẽ về nhì… người còn lại cuối cùng sẽ là người thua cuộc. Trò chơi lại bắt đầu từ đầu.
8. Trò chơi băng chuyền
Cách chơi:
Trẻ sẽ chuyền tay nhau một đồ vật và cùng hát 1 bài hát. Khi bài hát kết thúc, trẻ nào đang cầm đồ vật trên tay sẽ phải làm theo yêu cầu của mọi người.
9. Trò chơi này bạn vui
Cách chơi:
Cô sẽ hát
“Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (vỗ tay 2 cái )
Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (vỗ tay 2 cái )
Này bạn vui mà muốn tỏ ra mà lòng bạn nôn nao cho quanh đây biết lòng bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay” ( vỗ 2 cái)
Thay vào đó là “dậm đôi chân” (dậm chân 2 cái)
Thay vào “cười lên đi” (ha ha)
Thay vào “đá lông nheo” (chíu chíu).
Cuối cùng ” làm cả ba” hoặc ” làm cả 4 ” (vỗ 2 cái , dậm 2 cái, chíu chíu, haha).
10. Trò chơi Con thỏ ăn cỏ
Cách chơi:
Cô: đưa bàn tay chụm lại hô “Con thỏ”
Trẻ: lặp lại theo lời quản trò nói “Con thỏ”
Cô: đưa tay này qua tay kia hô “Ăn cỏ”
Trẻi: làm theo và nói “ăn cỏ”
Cô: đưa tay lên miệng hô “Uống nước”
Trẻ: làm theo và nói “Uống nước”
Cô: đưa tay lên lỗ tai hô “chui vô hang”, chấp tay lại hô “thỏ ngủ”
Trẻ phải làm theo quản trò nếu làm sai sẽ bị phạt, cô chú ý phải làm dần dần nhanh (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau)