Top 10 ngôi chùa nổi tiếng nhất ở nội và ngoại thành tại Đà Lạt

Nhắc đến Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đến một thiên đường du lịch đầy sương mù, một thành phố ngàn hoa xinh đẹp cùng những rừng thông ngút ngàn. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh tuyệt vời, các đặc sản xứ lạnh mà còn là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách, Phật tử đến viếng thăm, cúng chùa trong mỗi dịp lễ, hè về.

1. Thiền viện Vạn Hạnh

Thiền viện Vạn Hạnh
Thiền viện Vạn Hạnh

Thiền viện Vạn Hạnh là một trong hai ngôi thiền viện nổi tiếng nhất tại Đà Lạt, đến đây ngoài viếng chùa bái Phật du khách còn đường trải nghiệm cảm giác thanh bình, ngắm nhìn miền quê của Đà Lạt bên dưới chân ngôi Thiền Viện.

Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt tọa lạc tại một ngọn đồi cao thuộc số 39 đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt. Trước đây Thiền Viện Vạn Hạnh được dựng lên nhằm mục đích cho Phật tử địa phương có chỗ lễ bái. Đến năm 1980 thượng tọa Thích Viên Thanh cho xây dựng nên chùa Vạn Hạnh với tổng diện tích là 2 hecta. Đến năm 1994, hòa thượng cho trùng tu ngôi chánh điện. Qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đã giúp cho thiền viện Vạn Hạnh trở nên uy nghiêm đẹp đẽ và thanh tịnh như bây giờ.

Thiền viện Vạn Hạnh là nơi mà nhiều tăng ni, phật tử tìm đến cũng như được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm để cầu bình an và sự may mắn. Thiền viện còn nổi tiếng trong nước bởi nơi đây sở hữu bức tượng “Thích Ca Phật Đài” có chiều cao 24 mét, chiều rộng 20 mét. Bức tượng tái hiện hình ảnh của vị Phật Thích Ca ngồi trên đài hoa sen với cánh hoa sen trên tay phải. Đây được xem là một trong những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Phật giáo với ý nghĩa như một lời nhắc nhở sâu sắc về tâm thiền của Phật dành cho các Phật tử.

Địa chỉ: 142 đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, thành phố Đà Lạt


2. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là ngôi thiền viện theo dòng phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ngôi thiền viện lớn nhất Việt Nam tọa lạc trên núi Phượng Hoàng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về hướng Nam. Thiền viện trúc lâm Đà Lạt được khởi công xây dựng từ năm 1993 đến năm 1994 thì hoàn thành.

Thiền viện Trúc lâm nằm cạnh bên Hồ Tuyền Lâm với một không gian rộng lớn nhiều cây xanh bóng mát. Nơi đây luôn giữ vẻ bình lặng và yên tĩnh của chốn thanh tịnh trang nghiêm. Đến với thiền viện, bạn sẽ tận mắt chứng kiến quang cảnh hùng vĩ, bao la của thành phố Đà Lạt khi nhìn từ trên xuống. Được xem là điểm du lịch không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Đà Lạt, du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cảm giác bỏ qua sự ồn ào của cuộc sống đời thường, tĩnh tại trong tâm hồn.

Đứng trước thiền viện trúc Lâm Đà Lạt, du khách có thể nhìn xuống hồ Tuyền Lâm soi bóng rừng thông tuyệt đẹp. Phía trước chánh điện, gần lối đi xuống hồ Tuyền Lâm là hồ Tịnh Tâm, đây là một hồ nước nhân tạo được nuôi thả các loài cá và rùa trông rất thanh bình đúng phong cách nhà Phật. Bên cạnh hồ Tịnh Tâm là khu nhà khách dành cho những người mới đến xin tu hành trong một thời gian ngắn sẽ được bố trí ở đây để các sư tăng tiện theo dõi. Điểm nhấn được yêu thích nhất của khu thiền viện trúc lâm Đà Lạt này đó là vườn hoa phía trước chánh điện, vườn hoa rất đẹp được trồng nhiều loài hoa quý như Thiên Điểu, Sim Úc, Phù Dung…tất cả các loại hoa này đều được các tăng ni sưu tầm và tự ươm trong các khu vườn bên trong khu nội viện.

Vào năm 2015, thiền viện trúc lâm Đà Lạt đã hoàn thiện thêm 2 công trình mang ý nghĩa lớn đó là khu tháp thờ Xá Lợi, khu ngũ lầu thờ tượng phật Thích Ca được làm từ ngọc bích và vàng do các phật tử Thái Lan dâng tặng. Để đến đây từ trung tâm thành phố Đà Lạt, bạn chạy thẳng đường Triệu Việt Vương là đến thiền viện trúc lâm.

Địa chỉ: Trần Thánh Tông, P. 10, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


3. Chùa Linh Phước

Chùa Linh Phước
Chùa Linh Phước

Chùa Linh Phước Đà Lạt được xây dựng từ năm 1949, đến năm 1950 thì hoàn thành. Năm 1990, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn nhiều lần. Và ngôi chùa là công trình khảm sành độc đáo, nổi tiếng của phố hoa. Đây cũng là điểm đến ưa thích của các phật tử, thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Điều tạo nên sự khác biệt của chùa Linh Phước Đà Lạt đó chính là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là “chùa ve chai”. Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa có diện tích 6.666,84 m2, chánh điện chùa dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành. Bên trên tường và trần nhà là nhiều bức phù điêu khảm sành. Nội dung giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp hoa, kinh A Di Đà. Bên cạnh đó, chùa còn có tượng rồng dài 49 m, rộng 1,3 m. Để tạo nên đường nét uốn lượn cho thân rồng, người ta không trạm trổ trên bê tông mà dùng đến 12.000 vỏ chai bia để làm thân rồng.

Sở hữu kiến trúc độc đáo nhất Đà Lạt nên chùa Linh Phước là một điểm đến đáng chú ý đối với du khách. Đến đây, người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy từ những mảnh sứ sắc màu của ngôi chùa. Bên cạnh đó còn là nơi tâm linh, tâm hồn người thư giãn trong chốn thiền cổ kính. Không chỉ là chốn thiền môn, tâm linh, chùa Linh Phước Đà Lạt còn là ngôi chùa có nhiều kỷ lục Việt Nam. Nơi này hiện có 11 kỷ lục vượt qua chùa Bái Đính của Ninh Bình (sở hữu 9 kỷ lục).

Địa chỉ: Trại Mát, Tự Phước, P. 11, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


4. Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Chùa Thiên Vương Cổ Sát
Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Chùa Tàu hay còn gọi là chùa Thiên Vương Cổ Sát là một ngôi chùa cổ mang phong cách và kiến trúc của Trung Hoa tọa lạc tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km. Chùa Tàu Đà Lạt thuộc trường phái Hoa Nghiêm Tông là một tông phái quan trọng của phật giáo Trung Quốc. Chùa được hòa thượng Thọ Giả thuộc hội quán Triều Châu xây dựng vào năm 1958, đến năm 1989 một phật tử là ông Lê Văn Cảnh đứng ra trùng tu xây dựng.

Gian đầu tiên của chùa là Từ Bi Bảo Điện, ngay trung tâm là tượng Phật Di Lặc cao 3m, hai bên là 4 bức tượng Tứ Đại Thiên Vương cùng to lớn và tượng thần Thiện và Ác vô cùng oai nghiêm. Phía bên trái của bảo điện chùa Tàu Đà Lạt đó chính là nơi đặt “Bàn xoay kỳ lạ” đây chính là một trong những điểm nhấn thu hút rất nhiều du khách thập phương đến đây tham quan, chiêm bái. Đi sâu vào bên trong khuôn viên chùa, sau 3 chiếc đỉnh bằng xi măng là tòa kiến trúc chính của chùa – Quang Minh Bảo Điện, bên trong thờ Tây Phương Tam Tạng bằng gỗ trầm hương gồm 3 vị A Di Đà ở giữa, Quan Âm Bồ Tát bên trái và Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải, do hòa thượng Thọ Giả đã thỉnh từ Hồng Kông về năm 1958. Phía sau chùa tàu Đà Lạt, nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giả là pho tượng Phật Thích Ca đồ sộ sơn trắng, cao trên 10m, đang tọa thiền trên đài sen, nổi bật giữa rừng thông xanh ngút ngàn.

Cùng với các nhà thờ, chùa chiền trên địa bàn thành phố, chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa Tàu) là một ngôi chùa có rất nhiều nét kiến trúc cũng như trang trí nội thất in đậm phong cách Trung Quốc. Ðiều đó càng chứng tỏ rằng, mặc dù các hạng mục kiến trúc ở Lâm Ðồng không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét rất riêng của Ðà Lạt ở các công trình kiến trúc này. Trước hết, các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan khoáng đãng và thường tọa lạc trên những đồi cao, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp ở các vùng đô thị.

Địa chỉ: 385, Khe Sanh, P. 10, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


5. Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn
Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn là một ngôi chùa phật giáo lớn và cổ kính tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Chùa là địa điểm hành hương không thể bỏ qua khi đến Đà Lạt đồng thời là địa điểm du lịch Đà Lạt nổi tiếng được nhiều người tham quan lễ phật hàng ngày. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và cổ kính mang lại đậm nét tôn nghiêm và không gian thanh bình giúp cho du khách có cảm giác bình an, xua tan đi cái mệt mỏi.

Chính điện ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông giống như các chùa cổ ở Kinh Thành Huế, trên đỉnh mái chùa có đắp đuôi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long triều nguyệt”. Tòa chính điện gồm có hai ngôi nhà liền nhau được bài trí trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen cao 1,70m nặng 1.250kg bằng đồng. Bên phải chính điện cách không xa là một bảo tháp có 3 tầng hình bát giác, bên trái chính điện là Tổ Đường là nơi thờ Đạt Ma Sư Tổ và hai bên là bàn thờ các vị tăng sĩ viên tịch cũng như những người dân thường mà thân nhân họ muốn được thờ phụng tại chùa. Bên phải nội điện có treo chiếc Đại Hồng Chung nặng 450kg được làm bằng đồng, bên trái nội điện có giá trống có chiều dài 1m và đường kính rộng 0,75m.

Chùa Linh Sơn còn có phòng phát hành kinh bổn và nhà vãng sinh, ngoài ra còn có phòng giảng đường khá lớn nhưng hiện nay là Trường Cơ Bản Phật Học của Tỉnh Lâm Ðồng. Trước sân chùa là những chậu hoa kiểng đủ loại tạo không gian mát mẻ và trang nghiêm của ngôi chùa.

Địa chỉ: Nguyễn Văn Trỗi, P. 2, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


6. Chùa Linh Ẩn

Chùa Linh Ẩn
Chùa Linh Ẩn

Chùa Linh Ẩn tọa lạc ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Chùa được sáng lập vào năm 1993 bởi Thượng tọa Thích Tâm Vị. Ban đầu, đây chỉ là ngôi Niệm Phật Đường nhỏ với diện tích khoảng 4ha. Bên trong niệm đường thờ đức Phật, để những vị hành giả tịnh độ, tụng kinh, sám hối…Đến năm 1999, lượng phật tử địa phương đến tu học ngày càng đông nên chùa buộc phải mở rộng quy mô, xây mới rộng rãi hơn. Năm 1993, chùa xây lại mới với diện tích tổng thể Chánh điện là 1457m mái lợp ngói. Khi hoàn thành, lấy tên là Linh Ẩn Tự, sử dụng cho tới bây giờ.

Chùa Linh Ẩn có nhiều nét độc đáo so với những chùa khác. Bước vào cổng chùa, du khách cảm nhận được sự thanh tịnh, yên bình chốn thiền môn. Trước sân chùa có tượng đài Quan Âm lộ thiên (xây năm 1994). Bậc cấp dẫn từ sân lên chánh điện có cặp rồng chầu đúc bằng xi măng, đường nét điêu luyện. Qua hết bậc cấp, tiến thẳng vào chùa, du khách sẽ gặp chánh điện. Trong chánh điện thờ 5 vị Phật, cụ thể: chính giữa thờ Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư; bên phải là tượng Chuẩn Đề, bên trái là tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Các tượng Phật được bài trí đẹp mắt, tạo cho du khách thiện cảm khi bước vào đây.

Phía sau chùa có bức tượng Phật Di Lặc lộ thiên, cao 12,5m, được xây dựng năm 2.000. Điều đặc biệt của bức tượng tay là trong bụng Phật chia thành 3 tầng để trưng bày và là nơi Tăng chúng hội họp. Sau Chánh điện có nhà thờ Tổ (Niệm Phật Đường cũ), tượng Phật Thích Ca lộ thiên và vườn Lâm Tỳ Ni. Phía sau chùa có ngọn đồi trải dài như bức tường thành bao bọc ngôi chùa. Trên ngọn đồi cây cối phủ xanh, tạo bầu không khí trong lành cho khuôn viên chùa.

Địa chỉ: khu thắng cảnh thác Voi, thị Trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng


7. Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang
Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại thành phố này vì thế còn được gọi bằng cái tên Linh quang tổ đình, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Đà Lạt, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Lâm Đồng, là nơi đầu tiên đặt nền móng khơi nguồn đạo pháp tại phố núi Cao Nguyên, Lâm Đồng. Chùa Linh Quang tọa lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, phường 4, thành phố Đà Lạt được Hòa thượng Thích Nhân Thứ, từ Phú Yên, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Nghĩa Đạo thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43, theo chân đoàn người di dân từ Khánh Hòa vào Đà Lạt lập nghiệp và tạo lập từ năm 1931.

Ngôi tiền sảnh của chùa có lối kiến trúc 3 gian, hai chái có mái kép, trên hai đầu đỉnh nóc có gắn hai con Rồng theo thế hồi Long, cùng chầu vào một mặt hổ phù, phía trên mặt hổ phù là bánh xe chuyển Pháp Luân. Trên các đầu đao của mái trên là các cặp lưỡng Long, lưỡng Phụng chầu vào, ở hai đầu đao mái dưới là một cặp lưỡng Long vươn ra, khoảng giữa của hai mái là các bức trang trí hồi Long đối xứng qua bảng hiệu bằng chữ Hán “Linh Quang Tự”, tiền điện chùa có 4 trụ đắp rồng và sát hai trụ cột ngoài cùng là hai mãnh tường hẹp đắp nổi phong cảnh vườn Lộc Uyển.

Trong chánh điện tôn trí thờ tượng Đức Bổn Sư, ngự trên tòa sen, hai bên thờ đức Hộ Pháp và Tiêu Diện, sau chánh điện là hậu tổ, thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma, chư vị Hòa thượng quá cố, hai bên là bàn thờ chư vị nam nữ quá cố chư Hương Linh, sau tổ đường là nhà tăng, tàng kinh các. Trong khuôn viên chùa ngoài ba bảo tháp còn có một tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên thị hiện trên thân Rồng dài 100m, đường kính 2m, vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sanh. Các công trình này được thực hiện từ năm Canh Thìn (2000).

Địa chỉ: 133, Hai Bà Trưng, P. 6, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


8. Chùa Linh Phong

Chùa Linh Phong
Chùa Linh Phong

Chùa Linh Phong, hay tên đầy đủ Chùa sư nữ Linh Phong, là ngôi chùa nằm trên một đồi cao ở số 72 C đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt. Chùa Linh Phong vốn là một nơi thờ Phật được dựng năm 1940, khi đó chỉ lợp tranh, vách bằng ván. Chùa Linh Phong, cách thành phố Đà Lạt khoảng 4km về hướng Đông Nam (Trại Hầm). Chùa được xây dựng trên một đỉnh núi nhỏ cao vút ẩn hiện giữa ngàn thông vi vu lộng gió.

Khởi đầu, năm 1944, chùa là một niệm Phật đường mái tôle vách ván đơn sơ, cheo leo trên chóp núi, do Hòa thượng Thích Bích Nguyên chủ trì. Năm 1948 đến 1962, Sư bà Thích Nữ Từ Hương trùng tu và xây dựng nên Linh Phong Ni Tự, một ngôi chùa trang nghiêm, tráng lệ như ngày nay…

Cổng Tam quan được xây dựng bằng đá xanh, tạo nên nét uy nghi cho ngôi tịnh đường theo triết lý Tam quán “Không, Giả, Trung”. Chùa (16x25m) chia làm 5 gian kiến trúc theo kiểu những đình làng ở miền Trung. Mái kép cong được trang trí bằng tứ linh (long, lân, qui, phụng) uốn lượn giữa gió núi mây ngàn. Chánh điện thờ Đức Phật A Di Đà cao 1,8m. Ở hai bên, phần trước thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát bằng đồng bóng loáng, phần sau thờ Tổ và Linh.

Địa chỉ: 72C, Hoàng Hoa Thám, P. 10, Thành phố Đà Lạt, T. Lâm Đồng


9. Chùa Linh Quy Pháp Ấn

Chùa Linh Quy Pháp Ấn
Chùa Linh Quy Pháp Ấn

Chùa Linh Quy Pháp Ấn là một ngôi chùa nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Nằm tọa lạc trên một ngọn núi ở Bảo Lộc tuyệt đẹp. Nơi đây là nơi giao thoa giữa trời và đất. Một nơi khí hậu trong lành và mát mẻ quanh năm. Tạo cho con người cảm giác thư giãn và thoải mái nhất khi đến đây.

Đến nơi đây, du khách có thể du ngoạn, tham quan và cảm nhận vẻ đẹp bình yên, hùng vĩ như lạc vào “chốn bồng lai tiên cảnh”. Ngôi chùa này được ví như “Cổng trời” của núi rừng Tây Nguyên bởi nơi đây đã khiến nhiều du khách tham quan ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ xen lẫn là sự nhẹ nhàng, thanh tịnh giữa núi rừng nơi đây.

Kiến trúc của chùa được thiết kế theo một lối kiến trúc vô cùng độc đáo và bắt mắt. Hiện giờ không gian kiến trúc được chia thành một số phần chính như: không gian chánh điện, giảng đường của am pháp ấn. Cùng với quán chiếu đường và thư viện am pháp ấn. Ngoài ra ở đây còn có tam giải thoái môn cùng một số các tinh thất. Những tinh thất này nằm rải rác mem thao những cung đường và sườn núi.

Điều đặc biệt và độc đáo ở đây chính là cổng trời. Khác với cổng trời Torri của Nhật, thì cổng trời của nơi đây không thể đi qua được. Theo lời trụ trì nói chỉ có ai đạt được cảnh giới cao, cảnh giới ” không” mới qua được. Cùng theo như tương truyền cổng trời torri của Nhật. Cổng trời tượng trưng cho ranh giới giữa trời và nơi trần tục.

Địa chỉ: Xã Lộc Thanh, Thành phố Bảo Lộc, T. Lâm Đồng


10. Tịnh thất Quan Âm

Tịnh thất Quan Âm
Tịnh thất Quan Âm

Tịnh thất Quan Âm là ngôi chùa không chỉ được xây dựng thoáng mát và rộng rãi trên vùng đồi núi, tịnh thất Quan Âm được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất tại Đà Lạt, đồng thời là nơi cư ngụ của nhiều cụ già neo đơn, không có gia đình.

Bên cạnh đó, tịnh thất còn thường xuyên tổ chức các pháp hội niệm Phật A di đà theo pháp môn Tịnh độ nên thích hợp cho khách du lịch và Phật tử gần xa đến tham quan, cúng bái và tham gia các hoạt động Phật giáo, niệm Phật cầu vãng sanh cực lạc quốc.

Địa chỉ: Tổ 15 thôn Trung Hiệp, Xã Hiệp An, H. Đức Trọng, T. Lâm Đồng


Trên đây là top 10 ngôi chùa nổi tiếng nhất tại Đà Lạt mà Top10dieuhay.com đã sưu tầm được. Chắc chắn rằng, đây sẽ là những điểm đến mà bạn không thể bỏ qua khi du lịch thành phố sương mù xinh đẹp này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *